Phiên thiết Hán-Việt

Phiên thiết Hán-Việt là dùng cách phiên thiết (反切), tức là dùng âm của hai chữ khác (được coi là đã biết cách đọc) ghép lại để chú âm cho cách đọc âm Hán-Việt của một chữ Hán.Phiên thiết là một phương pháp ghi chú cách đọc của người Trung Quốc, dùng trong các tự điển chữ Hán, trước khi có phương pháp dùng chữ cái La Tinh để ghi chú cách đọc (gọi là bính âm 拼音). Nghĩa là dùng âm của những chữ Hán thông dụng, mà chỉ dẫn cách đọc của một chữ Hán ít thông dụng hơn hay là chữ mới. Người Việt Nam áp dụng phép phiên thiết ấy cho các âm Hán-Việt tương ứng, gọi là phiên thiết Hán-Việt.Ví dụ: bạn không biết cách đọc chữ 東, tra từ điển sẽ có phiên thiết 德紅切 (âm Hán-Việt là đức hồng thiết). Như vậy chữ 東 sẽ đọc là đông, vì đông = đức + hồng, theo quy tắc lấy phụ âm đầu (thanh mẫu 聲母) của chữ thứ nhất ghép với vần (vận mẫu 韻母) chữ thứ hai, riêng thanh điệu thì xem quy tắc ở phần dưới.Như vậy có thể có rất nhiều cách phiên thiết cho một chữ Hán.